Gần đây mình bắt đầu thử xem một vài kênh YouTube truyền cảm hứng bằng tiếng Anh. Không phải vì lý do gì to lớn, chỉ đơn giản là mình muốn luyện nghe thêm một chút mà thôi. Thường thì xem được khoảng nửa video là mình thấy buồn ngủ, dù video chỉ dài tầm 15-20 phút, nên nhiều khi mình cũng phải cố gắng tự thúc bản thân tỉnh táo lại. Trong một lần xem kênh YouTube của Lana Blakely, mình vô tình bắt gặp cuộc nói chuyện của Lana và Ali Abdaal. Dù lúc đó không biết Ali Abdaal là ai nhưng cuộc trò chuyện giữa họ khiến mình thấy khá hứng thú. Và mình cũng đã biết thêm được một vài điều hữu ích qua video này.
3P – Phương pháp tự tạo động lực khi làm việc
Trong cuộc trò chuyện với Lana, Ali đã chia sẻ phương pháp giúp anh ấy làm mọi việc một cách vui vẻ và tràn đầy năng lượng. Đó là kết hợp 3 yếu tố: Power – Play – People.
Hẳn sẽ có những lúc bạn phải làm một việc nào đó mà bạn không thích hoặc không muốn làm. Nếu việc đó khiến bạn mệt mỏi, mất năng lượng, và bạn được phép chọn: “làm” hoặc “không làm”, vậy bạn có thể chọn “không làm”. Nhưng nếu đó là việc bắt buộc và bạn không được phép lựa chọn, vậy phải làm sao?
Trong video, Ali nhắc đến 2 yếu tố là: động lực ngoại sinh và động lực nội tại. Nói một cách đơn giản:
Động lực ngoại sinh: là khi bạn làm một việc để nhận lấy phần thưởng. Ví dụ: cố gắng học chăm chỉ để được điểm cao, cố gắng làm việc tốt để được thăng chức hoặc tăng lương.
Động lực nội tại: là khi bạn làm một việc mà bản thân mình thích và tận hưởng nó. Động lực nội tại có thể được tạo ra bằng cách kết hợp 3P, giúp bạn tận hưởng niềm vui khi làm việc, cho bạn cảm giác “mình muốn làm việc này” thay vì cảm thấy “mình phải làm việc này”. Vậy 3P – Power, Play, People là gì?
- Power: thay đổi góc nhìn (có thể bằng cách tự kể cho mình một câu chuyện, lặp lại nhiều lần cho đến khi bạn tin vào nó) hoặc làm việc theo cách riêng của mình. Từ đó sẽ tạo cho bạn cảm giác “mình có quyền chủ động” thay vì cảm thấy người khác đang bắt ép mình.
- Play: làm việc theo cách riêng của bạn, tạo cảm giác thoải mái, thích thú giống như đang chơi.
- People: rủ người khác cùng làm hoặc chia sẻ phương pháp của mình với người khác.
Ví dụ:
Nếu bạn là sinh viên, có những môn bắt buộc phải học nhưng bạn lại không thích môn đó lắm. Vậy làm sao để có động lực học?
(Như mình thì mình chỉ từng cố gắng đủ đạt mức điểm trung bình khá, miễn không rớt môn là được, vì mình ngại phải đóng tiền học lại lắm. Dù ngày trước mình cũng thử học theo cách riêng, nhưng có lẽ vì tâm lý thường tiêu cực và một vài lý do khác nên mình chưa thực sự tận hưởng quá trình đó.
Ví dụ như, mình phải học môn Kinh Tế Vi Mô bằng tiếng Anh. Mình không hợp với phương pháp giảng dạy của thầy, và vì thầy không điểm danh nên mình hay cúp học lắm. Sau đó, mỗi khi gần đến ngày kiểm tra, mình sẽ lôi giáo trình ra, tự ngồi đọc và tổng hợp lý thuyết trong sách, cả bản tiếng Anh và tiếng Việt, cuối cùng thì mình cũng qua môn.
Suốt thời sinh viên, hầu hết các môn mình đều học như vậy, đa phần chỉ đọc giáo trình và đi thi, ít khi chịu khó nghe giảng trên lớp. Dĩ nhiên mình không rớt môn nào, và đôi khi đọc giáo trình mình lại thấy thú vị hơn nghe giảng, nhưng cảm giác đó chỉ xuất hiện chóng vánh thôi, vì có quá nhiều thứ cần phải ghi nhớ cận ngày thi mà. Hiện giờ ngẫm lại, có lẽ lúc đó mình đã vô tình bỏ lỡ điều gì đó, mà chỉ cần thay đổi góc nhìn một chút, biết đâu mình lại có thể tận hưởng quá trình học theo cách riêng, thoải mái hơn, ít khó chịu, dễ nạp kiến thức vô đầu và nhớ lâu hơn).
Vậy nên, bạn có thể tự tạo niềm vui bằng cách: tự dạy cho mình nếu bạn cảm thấy không hợp với phương pháp của giảng viên; thử tìm một chủ đề bạn thấy thú vị và chủ động tìm hiểu qua nhiều nguồn khác nhau thay vì chỉ đọc trong giáo trình; áp dụng những phương pháp học mà bạn thấy thích thú như vẽ sơ đồ tư duy… Như vậy sẽ giảm bớt cảm giác bị bắt phải học môn này (Power), bạn cũng sẽ tìm thấy niềm vui từ đó (Play), và tiếp đến bạn có thể rủ bạn bè cùng học hoặc chia sẻ cách học của mình với bạn bè (People).
Một ví dụ khác: một người bạn của Ali làm tại dịch vụ drive-thru của McDonald’s. Công việc khá chán nên họ thường đua với nhau xem ai là người đưa đồ ăn ra trước khi khách đến được nhiều nhất. Hoặc anh ấy tự đặt mục tiêu mỗi ngày cố gắng bán thêm một loại sốt cho khách hàng.
Bằng cách này, bạn có thể tận hưởng công việc theo cách riêng của mình, đồng thời tạo động lực và niềm vui cho những người xung quanh. Và khi bạn nhận thấy mình đang lan tỏa ảnh hưởng tích cực đến mọi người, điều đó cũng sẽ thúc đẩy động lực nội tại.
Câu chuyện học ngoại ngữ của mình
Mình từng là sinh viên ngành Ngôn Ngữ Anh, nhưng thật lòng, mình không còn nhớ được lần cuối cùng mình cảm thấy hứng thú với tiếng Anh là khi nào. Có thể là trước khi mình chọn ngành, cũng có thể là sau đó, mình cũng không rõ. Từ lâu, tiếng Anh đối với mình giống như một thứ bắt buộc phải học vì đã chọn, cũng có thể là lựa chọn duy nhất vì mình chẳng rõ bản thân muốn gì. Và có lẽ vì đó là “con đường” duy nhất nên mình luôn thấy áp lực vì: học tiếng Anh mà lại phát âm không chuẩn Âu Mỹ, nói không giỏi, học Ngôn Ngữ Anh mà lại không thi được IELTS điểm cao… và càng tự ti hơn khi nhìn thấy những bạn học ngành khác còn giỏi tiếng Anh hơn mình. Tâm lý đó khiến mình không thể nào yêu thích tiếng Anh thêm được nữa, và mỗi khi mở sách vở ra, mình chỉ cảm thấy chán nản. Ngay cả khi thử đổi phương pháp như học qua phim, nghe podcast, xem YouTube, mình cũng chẳng duy trì được bao lâu. Mãi cho đến thời gian gần đây…
Dạo này mình khá rảnh rỗi, không có gì để làm, tâm trạng lại lên xuống thất thường, chủ yếu là căng thẳng, mệt mỏi, bức bối, thất vọng, nhưng cũng có một vài lúc hiếm hoi tự dưng mình có động lực. Thế là mình quyết định thử buông bỏ bớt kỳ vọng, bớt khắt khe và gay gắt với bản thân. Mình nghĩ: “Hay là đừng cố gắng tự gây áp lực phải thành thạo tiếng Anh hay phải thật hoàn hảo nữa, bây giờ chỉ học đơn giản vì thích thôi được không? Khi nào cảm thấy đủ tự tin và thoải mái rồi thì vẫn có thể đi dạy như mình từng muốn cũng được mà.”
Bắt đầu với việc đặt mục tiêu tiếp xúc với tiếng Anh tối thiểu 15 phút mỗi ngày. Mình từng xem trên kênh YouTube của Lavendaire, chị ấy chia sẻ phương pháp đặt mục tiêu 5 phút mỗi ngày để tạo động lực. Nhưng 5 phút có vẻ hơi ít nên mình tăng lên 15 phút để có cảm giác thành tựu hơn. Và bạn biết không, đối với việc học ngoại ngữ, mỗi ngày 10-15 phút nhưng duy trì đều đặn lại có hiệu quả hơn nhiều so với việc dành ra 1-3 tiếng nhưng chỉ học vài lần mỗi tháng. Dù không hẳn là mình duy trì được mỗi ngày, nhưng phần lớn mình vẫn có thể cố gắng được khoảng 5 ngày/tuần. Và thú vị hơn là hầu hết mỗi lần mình đều có thể ngồi học tiếng Anh từ 30 phút đến 1.5 tiếng.
Mình không còn bó buộc bản thân trong sách vở và giáo trình, thay vào đó, mình luân phiên thử nhiều cách khác nhau mà trước giờ chỉ nghĩ chứ chưa thực hiện (một phần cũng bởi vì làm gì mình cũng nhanh thấy chán lắm). Ví dụ như:
- Tìm đọc một bài báo mà bản thân thấy thú vị. Mình chọn các trang tạp chí như Elle, Harper’s Bazaar, Marie Claire… Các chủ đề Beauty, Lifestyle khá đơn giản và dễ hiểu, mình chưa đọc mục Fashion vì có vẻ hơi khó cảm nhận đối với mình. Mình thường dùng từ điển Oxford hoặc Cambridge để tra từ, vui thì sẽ tự nhẩm lại 2-3 lần nghĩa của từ, không vui thì ghi lại trên Google Docs để mở xem nếu cần.
- Tiếp theo, vì lười paraphrase nên mình chọn cách “sao chép”. Mình đọc từng câu 1-2 lần để hiểu ý nghĩa. Sau đó đổi sang Tab khác, tự đọc và viết lại, cùng lúc đó mình có thể tự ngẫm cách diễn đạt của câu, cách dùng ngữ pháp trong câu. Và thường khi tập trung hoặc tiếp cận mọi thứ một cách thoải mái thì có vẻ nó sẽ ngầm lưu vào trong đầu mình, đến lúc cần sẽ tự động bật ra ^^. Mình không chắc là cách này hiệu quả, nhưng mình thấy vui và thoải mái với cách học này, đặc biệt là với một đứa lười động não như mình.
Một số cách khác mình cũng áp dụng tương tự như trên (nhưng thường hay bỏ qua đoạn viết vì lười, đôi khi lười quá còn bỏ luôn đoạn đọc lại và chỉ tra từ nếu thấy cần, hoặc là để não tự đoán nghĩa theo ngữ cảnh luôn): nghe nhạc Âu Mỹ và xem lời bài hát, xem YouTube, xem phim Friends.
Trong quá trình học, nếu bắt gặp một thành ngữ hay từ vựng thú vị, hoặc một điểm ngữ pháp mà mình thắc mắc, mình sẽ tìm một hai đứa bạn để chia sẻ và kể lể. Nhờ vậy, mình bắt đầu cảm thấy việc học nhẹ nhàng hơn nhiều.
Dù chỉ mới áp dụng một thời gian ngắn, nhưng gần đây mình bắt đầu có chút cảm giác yêu thích tiếng Anh trở lại. Mình không còn thường nhìn nó với cái nhìn khắt khe hay khó chịu nữa, tự dưng thấy nó cũng đáng yêu và thú vị lắm. Sau đó, mình mới tình cờ biết đến phương pháp 3P của Ali. Vậy là một cách vô tình, mình đã áp dụng phương pháp này: thay đổi cách suy nghĩ (Power) – tự học theo những cách bản thân thấy vui vẻ (Play) – chia sẻ kiến thức mới tìm hiểu được với bạn bè (People), và có được kết quả khá tích cực. Hy vọng mình có thể duy trì trạng thái này lâu một chút.